Bảo Khánh Hoàng thái hậu Dương_Thục_phi_(Tống_Chân_Tông)

Năm Càn Hưng (1022), Tống Chân Tông băng hà, Thái tử kế vị, tức Tống Nhân Tông. Lưu Hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu, Dương Thục phi do có công nuôi dưỡng nên được tôn làm Hoàng thái phi[3].

Tống Nhân Tông đối với Lưu Thái hậu và Dương Thái phi muôn phần kính trọng, gọi Lưu Thái hậu là ["Đại nương nương"; 大娘娘], Dương Thái phi là ["Tiểu nương nương"; 小娘娘][4][5]. Khi Lưu Thái hậu qua đời (1033), bà viết di chiếu bảo Tống Nhân Tông tôn dưỡng mẫu là Dương Thái phi làm Hoàng thái hậu, đón vào trong đại nội, nhưng kèm theo đó là đề nghị "Đồng nghị quân quốc sự" (同議軍國事), như muốn để Dương thị tiếp tục can thiệp quốc sự. Quần thần thấy Lưu Thái hậu đã mất, nay lại kiến nghị người khác làm Thái hậu, vẫn yêu cầu cùng Hoàng đế nhiếp chính là không ổn thỏa, nên chỉ tôn huy hiệu mà bỏ đi 5 chữ Đồng nghị quân quốc sự ra khỏi di cáo. Tông Nhân Tông theo đó tôn Dương Thái phi làm Hoàng thái hậu, lại theo tên cung khi ấy của bà là Bảo Khánh cung, do vậy tôn gọi Bảo Khánh Hoàng thái hậu (保慶皇太后)[6].

Năm Cảnh Hưu thứ 3 (1036), ngày 4 tháng 11 (âm lịch), Dương Thái hậu không bệnh mà qua đời, thọ 52 tuổi, tạm quàn ở Hoàng Nghi điện (皇儀殿). Bà được truy tặng thụy hiệuTrang Huệ (莊惠), sau phải đổi thành Chương Huệ (章惠), nhưng không phối hưởng Thái miếu[7], an táng cùng Tống Chân Tông ở Vĩnh Định lăng (永定陵)[8].

Thời Tống Anh Tông, tả hữu đề nghị hủy bỏ thụy hiệu Hoàng hậu của Chương Huệ hậu và phế bỏ Hậu miếu. Nguyên khi Nhân Tông vô tự, Dương thị thường khuyên chọn người tông thất mà làm Tự quân, chọn ra được Anh Tông và đem nuôi trong cung. Anh Tông luôn không muốn nhưng quần thần cứ dâng tấu sớ mãi, đành cho hữu ti tham nghị, nhưng đều kiếm cớ kéo dài không quyết. Đến khi Anh Tông băng hà, việc này cũng không đem ra nghị luận nữa[9].